Giếng khoan hỏng gây ô nhiễm nguồn nước
Thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có trên 85.000 cây giếng khoan, trên 4.700 giếng đào, tập trung nhiều ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải, Cầu Ngang. Trong đó có hơn 1,2 nghìn giếng hỏng cần được xử lý bởi đây là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Ghi nhận tại một số địa bàn thiếu nước ngọt như các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang cho thấy mức độ khai thác nước ngầm ngày càng tăng do nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất như tưới lúa, nuôi tôm ngày càng lớn, đặc biệt là trong mùa nắng và tình trạng nhiễm mặn đang tăng cao trong thời gian gần đây.
Hầu hết các địa phương đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng mực nước ngầm. Hàng nghìn giếng nước ngầm bị hư hỏng bỏ hoang không sử dụng, đây là những giếng nước bị khai thác quá mức không còn đủ nước để phục vụ bơm tưới.
Tuy nhiên, khi không còn giá trị sử dụng thì những giếng này bị bỏ hoang không được trám, lấp đúng kỹ thuật dẫn đến nguy cơ sụt, lún, nhiễm mặn do thông tầng nước ngầm. Thậm chí nó trở thành những cái phễu để đón nhận các hoá chất trên đồng ruộng, và nước thải sinh hoạt đổ xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Theo các chuyên gia trong ngành môi trường, những lỗ khoan khai thác nước dưới đất bị hỏng, nếu không xử lý, chúng sẽ là những “ô cửa” để đưa các nguồn nước bẩn từ trên mặt xuống làm ô nhiễm nước ngầm.
Một trong những phương án bảo vệ nước dưới đất khỏi bị ô nhiễm là phải trám lấp các loại giếng này. Có nhiều biện pháp trám lấp song phải tuân thủ nguyên tắc chung là: Trả lại trạng thái như trước khi khoan, tức là lấp đầy khoảng trống bằng vật liệu tương tự như đất đá ở chiều sâu tương ứng.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng quản lý Tài nguyên, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh cho biết: Hiện nay ngành Tài nguyên, môi trường tỉnh đang phối hợp với Trung tâm sinh thái Môi trường và Tài nguyên, Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án xử lý giếng khoan bị hỏng bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay đã xử lý 176 giếng hỏng của 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, chi phí xử lý mỗi giếng trên 2 triệu đồng và đề án tiếp tục thực hiện tiếp cho 2 huyện Trà Cú và Châu Thành, phấn đấu đến cuối năm 2011 là hoàn thành số giếng hỏng đã khảo sát. Mới đây, cùng với việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn huyện Duyên Hải, chủ đầu tư thực hiện các công trình đã xử lý gần 1.000 giếng khoan nằm trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, những giếng hỏng mới phát sinh sau này, các hộ dân phải tự bỏ tiền ra thực hiện, mỗi gia đình phải có ý thức và trách nhiệm của mình với nguồn nước ngầm.
Cách xử lý giếng hỏng thực hiện đúng theo quy trình, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bước đầu là dùng viên trám lấp giếng Set Bentonite (vật liệu dạng viên), tùy theo độ sâu của giếng khoan cho vào đáy giếng phù hợp, tiếp tục cho set gạch ngói vào, đổ vữa xi măng, sau cùng là đổ bê tông trán lên bề mặt giếng.
Mặc dù vẫn còn những con số khả quan từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là chất lượng nguồn nước ngầm của Trà Vinh còn rất tốt, trử lượng khai thác tiềm năng nước ngầm của tỉnh trên 1 triệu m 3 /ngày/đêm. Tuy nhiên, nếu không xây dựng được một phương án quản lý và sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý từ bây giờ, việc cạn kiệt nguồn nước ngầm cộng với ô nhiễm sẽ gây ra những hậu quả khó lường.