Đưa nước sạch lên vùng cao

Tác giả: Phạm Quang Minh. Ngày đăng:

Lọc tổng sinh hoạt

Cuộc sống của đồng bào miền núi, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, nhu cầu về nước sạch sinh hoạt đang vô cùng cấp thiết. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ dân sinh sống ở miền núi, vùng cao Bắc Giang đã được sử dụng dòng nước trong lành, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Xã Phong Minh là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn với 7 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Được Nhà nước đầu tư gần 9 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, công trình cấp nước tập trung liên xã Phong Minh – Phong Vân đã khởi công năm 2008. Đến tháng 9-2009, dòng nước mát lần đầu tiên đã đến hộ dân, mang lại niềm vui cho bà con nơi đây. Bà Lý Thị Giúp, thôn Cả, xã Phong Minh phấn khởi: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư nên người dân chúng tôi có nước sạch về tận nhà để sử dụng. Gia đình tôi chỉ cần xây bể chứa nước thay vì phải hằng ngày đi gánh nước như trước đây”.

Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Nghẽo-Lãn Chè, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2010, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 400 hộ dân trên địa bàn. Ông Phùn Coòng Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Nghẽo cho biết, Tết Nhâm Thìn là cái Tết thứ ba người dân trong thôn được sử dụng nước sạch. Ông Sáng nhớ lại, trước đây, vào mùa hanh khô cả thôn đều thiếu nước. Trước tình hình đó, nhiều hộ thuê khoan giếng nhưng khoan sâu tới vài chục mét mà vẫn không có nước. Vì vậy hầu hết người dân phải gánh nước suối sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Có năm ít mưa, cả thôn phải đi 3-4 km vào tận thượng nguồn con suối lấy nước về ăn. Từ khi có nước sạch, cả thôn vui như mở hội. Ngoài ra, với hệ thống cấp nước tự chảy, người dân không phải lo chi trả tiền điện mà chỉ đóng tiền nước sử dụng hằng tháng với mức 1 nghìn đồng/m3 nước (trả công cho người vận hành và duy tu, bảo dưỡng thiết bị).

Ngoài hai công trình trên, hơn 10 năm qua, nhờ huy động các nguồn lực, Bắc Giang đã xây dựng được khoảng 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực miền núi, vùng cao. Vì vậy, tỷ lệ người dân ở khu vực này được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh đạt gần 80%.

Bên cạnh thành quả thấy rõ vẫn còn tồn tại những bất cập trong việc xây dựng công trình nước sạch kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được khắc phục. Ở hầu hết các công trình nước sạch đều chưa ban hành được quy chế vận hành sau đầu tư nên việc duy tu bảo dưỡng không được chú trọng. Tại một số công trình, mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây nhiều năm nhưng mới chỉ giao cho một nhóm người quản lý, còn công tác duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của tổ ra sao chưa rõ ràng. Một số chính quyền sở tại thiếu trách nhiệm trong việc quản lý công trình sau đầu tư và ý thức gìn giữ của một bộ phận người dân còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều công trình thi công, thanh quyết toán chậm, có công trình kéo dài nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc trong nhân dân; một số công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chất lượng xuống cấp nhanh chóng hay không khai thác hết công suất, gây lãng phí; một số hộ dân không chịu nộp tiền đối ứng… Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường của Bắc Giang.

Lan Trịnh


Danh mục: Tin Tức

Email: congngheloc@gmail.com Địa chỉ Facebook Zalo: 0902 17 22 99 Viber: 0902 17 22 99

Liên kết ngoài

0902 17 22 99